Coaching và Training: Sự khác nhau giữa huấn luyện và đào tạo

 

Huấn luyện (coaching) và đào tạo (training) là 2 thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau – dẫn đến sự nhầm lẫn. Cả hai hoạt động trên đều hướng tới mục tiêu phát triển con người. Tuy nhiên, thực tế, giữa coaching và training có những sự khác biệt nhất định. Ở vị trí cấp lãnh đạo – quản lý, điều quan trọng là bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa huấn luyện và đào tạo, để có thể ứng dụng phương pháp thích hợp vào từng trường hợp cụ thể.

Tổng quát về coaching và training

Training là gì?

Hoạt động đào tạo (training) hướng tới mục tiêu giúp nhân viên nắm bắt cách thực hiện một nhiệm vụ hoàn toàn mới mà họ chưa có kinh nghiệm trước đây, hoặc giới thiệu và mở rộng những kiến thức mới cho họ.

Ví dụ: Nhân viên của bạn có biết chút ít về cách làm việc an toàn và tránh nguy hiểm trong công việc – nhưng họ sẽ cần đến một chương trình đào tạo để trang bị kiến thức toàn diện về cách giữ an toàn tại nơi làm việc cho chính họ, đồng nghiệp và những người khác.

Mục đích chính của doanh nghiệp khi tổ chức đào tạo cho nhân viên là phát triển khả năng và kiến thức của họ. Cho dù liên quan đến cách thực hiện công việc hay tuân thủ nội quy hiện hành, thiếu sót trong training có thể dẫn đến sai sót, hiểu lầm, năng suất kém, tăng chi phí và thậm chí vi phạm pháp luật – xảy ra khi nhân viên không tuân thủ quy định về sức khỏe và luật an toàn.

Training

Coaching là gì?

Huấn luyện (coaching) là quá trình can thiệp 1-1, dựa trên mối quan hệ hợp tác, nhằm đạt được mục tiêu mong muốn. Quan hệ này bao gồm một huấn luyện viên (coach) và người được huấn luyện (coachee). Mục đích của coachee khi tham gia vào mối liên kết này là hiện thực hóa các mục tiêu cá nhân một cách có chủ đích và tích cực.

So với training, coaching là lựa chọn phù hợp hơn cho những nhân viên đã có kiến thức và kỹ năng, nhưng đang gặp phải các vấn đề hoặc rào cản khiến họ không thể phát huy hết vai trò và tiềm năng tối đa tại nơi làm việc. Điều này đặc biệt đúng đối với các vị trí lãnh đạo – quản lý cấp cao có nhiều ảnh hưởng trong công ty. Thay vì tập trung dạy họ những kiến thức mới như đối với training, troang coaching, nhân viên của bạn sẽ là người đóng vai trò chính. Dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của huấn luyện viên, họ sẽ có thể tự suy ngẫm và đưa ra giải pháp cho các vấn đề hiện tại của mình.

Coaching

Mentoring là gì?

Một thuật ngữ nữa thường được đề cập khi bàn về coaching và training là mentoring (cố vấn). Mentoring chỉ một mối quan hệ lâu dài dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng nhằm dẫn dắt cá nhân đến những mục tiêu cụ thể. Cũng giống như training, mentoring là một mối quan hệ có thứ bậc. Trong đó, người cố vấn (mentor) là một cá nhân có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ cung cấp hướng dẫn hoặc lời khuyên nghề nghiệp cho người được cố vấn (mentee) thiếu kinh nghiệm. Mentee tìm đến với mentor để học hỏi kiến thức từ họ.

Sự khác nhau giữa coaching và training

Từ định nghĩa nêu trên, ta có thể thấy một số điểm khác biệt cơ bản giữa coaching và training. Nếu như cố vấn và huấn luyện kinh doanh thường bao gồm một người quản lý và nhân viên cùng tham gia vào một cuộc họp khá thân mật để giải quyết vấn đề, đào tạo (training) thường đề cập đến việc nhân viên được chỉ dạy một kỹ năng hoặc thông tin mới mà họ hiện chưa biết tới.

CoachingTraining
Nâng cao kiến thức/ kỹ năngChuyển giao kiến thức
Thường là 1 kèm 1Thường bao gồm nhiều người cùng được đào tạo
Thường thực hiện tại chỗThường được thực hiện tại một cơ sở riêng
Áp dụng cho nhân viên lâu năm – đặc biệt các vị trí cấp caoÁp dụng cho nhân viên mới
Tính cấu trúc không caoCấu trúc chặt chẽ
Thân mật, mang tính chất đối thoạiCó tính trang trọng
Coach tập trung đặt câu hỏi cho coachee tự trả lờiTrainer tập trung giảng giải cho trainee
Trọng tâm là khám phá và phát triển chính mìnhTrọng tâm là học tập kiến thức mới

Bảng tổng kết sự khác nhau giữa huấn luyện và đào tạo

Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF) định nghĩa coaching là quá trình hợp tác với khách hàng nhằm kích thích tư duy và sáng tạo, truyền cảm hứng để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp của mình. Trong khi training và mentoring liên quan đến việc chuyển giao kiến thức, mục đích của coaching là nâng cao, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cá nhân tích cực tham gia vào sự phát triển của chính họ.

Vì sao cần cả coaching và training?

Cốt lõi của coaching khác hẳn so với cả training và mentoring. Trong mối quan hệ coaching, không có sự tồn tại của thứ bậc. Thay vào đó, coachee mong muốn thử thách bản thân một cách tự nguyện, và huấn luyện viên hợp tác với coachee để nâng cao nhận thức về chính mình, vượt qua các giới hạn hiện tại. Sau đó, huấn luyện viên giúp coachee xây dựng kế hoạch hành động mạnh mẽ, có chủ đích để đạt được mục tiêu đề ra.

“Coaching là nghệ thuật tạo ra môi trường – trong đó, thông qua trò chuyện và phản chiếu, huấn luyện viên tạo điều kiện thuận lợi cho coachee có thể đạt được kết quả mong muốn một cách trọn vẹn. Nó đòi hỏi bạn không chỉ chú ý đến kết quả bên ngoài, mà còn quan tâm trực tiếp đến người được huấn luyện.”

Timothy Gallwey

Chìa khóa của đối thoại coaching là tạo một không gian thoải mái, khuyến khích sự tự phát triển và thay đổi của coachee. Huấn luyện viên có thể làm được điều này bằng cách lắng nghe và đặt các câu hỏi kích thích tư duy và sự chủ động của coachee. Bạn sẽ phải khá kiên nhẫn trong quá trình này, vì coachee cần thời gian để bắt đầu hình thành những thói quen mới và suy nghĩ mới. Ngoài ra, việc nắm rõ 14 phương pháp coaching phổ biến và linh hoạt thay đổi tùy theo thực tế cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình huấn luyện.

Qua thời gian, coaching đã được chứng minh về khả năng hỗ trợ đáng kể các mục tiêu học tập và hiệu suất, bao gồm:

  • Chuyển biến tình cảm – Thái độ và kết quả động lực (ví dụ: hiệu suất cá nhân, hạnh phúc và sự hài lòng).
  • Thay đổi nhận thức – Kiến thức khai báo, kiến thức thủ tục và chiến lược nhận thức (ví dụ: khả năng giải quyết vấn đề).
  • Phát triển kỹ năng – Nuôi dưỡng các kỹ năng mới (ví dụ: kỹ năng học tập, xử lý kỹ thuật…).

Kết hợp coaching và training, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả đào tạo nhân viên, đẩy nhanh quá trình thay đổi hành vi nhằm nâng cao hiệu quả làm việc.

Coaching và training

Kết luận

Tuy coaching và training có những sự khác biệt nhất định, cả hai thường được sử dụng kết hợp với nhau để thực sự phát triển năng lực của nhân viên, khiến họ đóng góp nhiều hơn cho hoạt động và kết quả kinh doanh của công ty. Nhân viên được đào tạo để trang bị các kỹ năng cần thiết cho công việc – sau đó, họ sẽ được tham gia các buổi huấn luyện để biết cách vận dụng những kỹ năng này tối đa.

Bạn có thể tham gia: Khóa học coaching để cải thiện kỹ năng của mình.


Share this

Related Posts

Previous
Next Post »